Khánh Hòa: Độc đáo lễ cúng nhà dài của đồng bào Ê đê
Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa), lễ cúng nhà dài là hoạt động quan trọng đối với mỗi gia đình và cộng đồng. Có dịp tham gia buổi lễ này, chúng tôi mới thấy được nét đẹp văn hóa đang được đồng bào cố gắng gìn giữ.
Căn nhà dài mới làm xong của gia đình ông Y Hy.
Mới đây, gia đình ông Y Hy (thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây) đã hoàn thành việc xây dựng căn nhà dài có diện tích 100m2. Căn nhà được làm từ vật liệu chính là gỗ, mái ngói mang thiết kế, kiến trúc theo đúng mẫu nhà dài truyền thống của người Ê đê. Phía trước ngôi nhà có 2 chiếc cầu thang được dựng hai bên. Khi bước lên nhà, mọi người đi bên phía chiếc cầu thang đực; khi đi xuống thì bước bên phía chiếc cầu thang cái. Theo quan niệm mẫu hệ của người Ê đê, chiếc cầu thang cái tượng trưng cho người mẹ, người phụ nữ nên có kích thước lớn hơn và được trang trí những họa tiết đặc trưng của nữ giới.
Mọi người giúp chủ nhà làm cột Gơng.
Bên trong nhà, dọc theo hai bên ngôi nhà được chủ nhà đặt những chiếc ghế dài để khách ngồi; cùng với đó là những bộ cồng chiêng, ché rượu cần, gùi, nỏ, sừng hươu… vừa làm vật trang trí, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của chủ nhà. “Ngôi nhà dài là tâm huyết bao nhiêu năm nay của cá nhân tôi và đến nay đã thực hiện được. Với người Ê đê chúng tôi, căn nhà dài truyền thống không chỉ là nơi sinh sống của gia đình, mà còn mang theo nhiều giá trị văn hóa, quan niệm tâm linh. Vì vậy, trước khi vào ở thường phải làm lễ cúng trọng thể để thần linh, ông bà được biết để ban điều lành cho căn nhà và chủ nhà”, ông Y Hy cho biết.
Để buổi lễ cúng nhà dài diễn ra theo đúng phong tục của đồng bào Ê đê, trước đó nhiều ngày, chủ nhà đã đi mời anh em, họ hàng, bạn bè, hàng xóm đến tham dự; chọn mời thầy cúng có uy tín, biết rõ nghi thức và đặc biệt phải có gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, chủ nhà còn chuẩn bị những lễ vật cần thiết như: Heo, gà, rượu cần, cây cột Gơng… Đúng ngày giờ đã định, những vị khách được chủ nhà mời đều gác hết công việc nương rẫy để đến dự lễ; phụ giúp việc nấu nướng, làm cột Gơng, bày biện các ché rượu cần… Mỗi người một việc, tạo nên bầu không khí chuyện trò rộn ràng, sôi nổi. “Tôi với Y Hy là chị em họ, nên khi biết Y Hy cúng nhà dài, tôi vui lắm. Đồng bào Ê đê chúng tôi mỗi lần cúng nhà dài giống như một ngày vui của cả buôn làng”, bà H’Dam (thôn Buôn Lác, xã Ninh Tây) cho biết. Bà H’Trích (thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây) chia sẻ: “Gia đình tôi với gia đình Y Hy quen biết nhau nhiều năm nay. Khi đến dự lễ cúng nhà mới, người dân chúng tôi thường mang biếu chủ nhà các loại trái như bầu, bí, mướp hoặc mừng tiền. Nhưng quan trọng nhất là lời chúc cho căn nhà được thần linh phù hộ cho vững chắc, chúc chủ nhà mạnh khỏe, làm ăn giỏi”.
Khi đến giờ cúng nhà dài, những người biết đánh chiêng tự ngồi vào vị trí của mình và liên tục tấu lên những thanh âm rộn rã, ngân vang núi rừng. Trong bộ trang phục truyền thống, đầu đội khăn, thầy cúng Y Poanh (thôn Buôn Lác, xã Ninh Tây, cũng là thông gia với nhà ông Y Hy) ngồi vào vị trí chính giữa ngôi nhà – nơi được bày sẵn những ché rượu cần, đầu heo, bộ lòng heo để bắt đầu cúng thần linh. “Lễ cúng nhà dài truyền thống của người Ê đê gồm 2 lễ chính là lễ cúng nhà và lễ cúng cho chủ nhà. Trong lễ cúng nhà, thầy cúng sẽ mời Yang (trời), thần núi, thần rừng, thần sông, thần đất, ông bà tổ tiên… cùng về chứng kiến sự hiện diện của ngôi nhà mới để phù hộ cho ngôi nhà được vững chãi, bền chắc trước nắng mưa, bão gió, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, xua đuổi ma quỷ, mang đến những điều tốt lành cho chủ nhà. Còn lễ cúng cho chủ nhà sẽ cầu nguyện Yang và các vị thần linh, tiên tổ cho chủ nhà tinh thần thoải mái, sức khỏe dồi dào, làm ăn ngày càng thuận lợi, vợ chồng hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn”, ông Y Poanh cho biết.
Thầy cúng làm lễ cúng cho ngôi nhà dài của ông Y Hy.
Sau khi khấn cầu những điều tốt đẹp đến với căn nhà và chủ nhà, thầy cúng cầm nắm lá chuối và bát tiết heo đi làm phép xung quanh ngôi nhà. Tiếp đó, thầy cúng sẽ mời vợ chồng chủ nhà cùng với thầy cúng uống những ngụm rượu cần đầu tiên từ ché rượu cúng. Đó cũng là lúc lễ cúng kết thúc và mọi người bắt đầu hòa mình vào hoạt động vui mừng cho chủ nhà. Cứ theo thứ tự 3 người một lượt, họ cùng nhau uống rượu cần, đánh cồng chiêng và đến gặp chủ nhà nói những lời chúc tốt đẹp. Cuộc vui cứ như thế diễn ra từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau ngay trong chính ngôi nhà dài mới. Vậy nên, lễ cúng nhà dài truyền thống của đồng bào Ê đê vừa là hoạt động mang tính cá nhân của từng gia đình, vừa là sinh hoạt của cả cộng đồng khi có sự tham gia của nhiều người là họ hàng, xóm làng.
Hòa tấu cồng chiêng trong ngôi nhà dài mới.
Đáng tiếc, sinh hoạt văn hóa này đang ngày càng ít dần ở các buôn làng Ê đê. “Hiện nay, trên địa bàn xã Ninh Tây còn khoảng 20 căn nhà dài truyền thống vẫn được người dân sử dụng để ở hàng ngày. Số lượng này đã ít hơn rất nhiều so với trước đây. Người Ê đê hiện nay, nếu làm nhà mới cũng xây nhà theo kiểu của nhà trệt chứ không làm nhà sàn dài như thế này. Vậy nên, việc cúng nhà dài cũng không còn diễn ra nhiều như trước đây. Gia đình tôi mong muốn, từ căn nhà dài này sẽ có thể trở thành một điểm để người dân, khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu thêm về văn hóa của đồng bào Ê đê”, ông Y Hy chia sẻ.
Những lời chia sẻ ấy chợt khiến chúng tôi băn khoăn trước thực trạng về những căn nhà dài của đồng bào Ê đê hiện nay. Bởi trước những tác động của ngoại cảnh, cuộc sống hiện đại, việc để người dân tự giữ gìn chính những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình đang bộc lộ những khó khăn. Nên chăng, chúng ta cần có giải pháp để hỗ trợ cho những gia đình đang gìn giữ nhà dài để những thế hệ sau này còn biết đến căn nhà dài Ê đê.
Giang Đình
Báo Khánh Hòa – baokhanhhoa.vn