Đinh Nhật Tân và những món quà mang âm hưởng đại ngàn
(TITC) – Đinh Nhật Tân sinh ra ở cộng đồng người H’re vùng miền Tây Quảng Ngãi. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh và mở một xưởng chế tác thủ công tại tại TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, dòng máu H’re chảy trong người anh vẫn thôi thúc anh tìm về cội nguồn, để rồi cho ra đời những “tác phẩm” quà tặng độc đáo màn âm hưởng đại ngàn.

Chàng trai người H’re Đinh Nhật Tân. Ảnh: TITC
Con đường đưa Đinh Nhật Tân đến với nghệ thuật chế tác quà tặng trang trí cũng thật tình cờ, bởi trước đó Đinh Nhật Tân chỉ vẽ tranh, cũng từng tham dự nhiều triển lãm trong nước và một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo thời gian, bản năng sáng tác của Đinh Nhật Tân cứ “đuối” dần. Và trong một lần về quê ở miền Tây Quảng Ngãi, cảm xúc nghệ thuật của Đinh Nhật Tân trỗi dậy mạnh mẽ khi anh cảm nhận được cuộc sống nơi quê nhà quá vất vả, nhiều bạn trẻ không có việc làm, không tay nghề, thu nhập… Anh trăn trở, sục sạo trong vùng để tìm kiếm chất liệu mới. Những tác phẩm quà tặng thủ công của anh ra đời từ những ý tưởng đó.

Đinh Nhật Tân hướng dẫn các bạn trẻ trong hoạt động chế tác sản phẩm. Ảnh: TITC
Đó là một sự phối ngẫu tài hoa giữa sắt và gỗ; giữa chất hiện đại và nguyên thủy; thổi vào một chút hồn của văn hóa Tây Nguyên. Gỗ là thứ gỗ lũa được bỏ ngổn ngang khắp nơi ở quê anh. Đây là thứ gỗ đã mục những chỗ có thể mục rồi, phần còn lại hình dạng méo mó khó dùng trong tạo các sản phẩm mộc, đốt cũng khó cháy. Anh đã tận dụng những thứ gỗ lũa đó để làm những điều có ích, bắt đầu một “cuộc chơi” không giống ai và đổi nghề sang thiết kế, tạo tác các sản phẩm thủ công trang trí. Công việc mới vẫn giúp anh thỏa lòng đam mê mỹ thuật, vừa giúp các bạn trẻ nơi quê nhà một công việc, một nguồn thu nhập. Anh tự tạo cho mình một thương hiệu với cái tên rất Tây Nguyên: “Lem Décor”.

Sản phẩm qua tặng của chàng trai H’re rất độc đáo, mang đậm ngôn ngữ tượng Tây Nguyên. Ảnh: TITC
Đinh Nhật Tân giải thích, “Lem” trong tiếng H’re có nghĩa là đẹp chân phương. Những tác phẩm quà tặng trang trí của anh được mô phỏng cách tạo hình điêu khắc của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đó là sự ngẫu hứng, mạnh mẽ, phóng khoáng, chân chất, nhưng cũng thật chắt lọc và tinh tế. Đinh Nhật Tân mong muốn thông qua tác phẩm, tạo một nét chấm phá hoang dã, đem đến một chút nét “mộc” để tạo sự cân bằng cho không gian của những công trình kiến trúc lộng lẫy, hiện đại.

Đinh Nhật Tân tạo việc làm cho các bạn trẻ trong một không gian dịch vụ đậm chất Tây Nguyên. Ảnh: TITC
Tác phẩm của Đinh Nhật Tân là một sự kết hợp gia công tỉ mỉ với “sắt cũ đã qua sử dụng”. Anh đã lựa chọn cho mình một hướng đi độc đáo, táo bạo, pha lẫn âm hưởng của tượng nhà mồ Tây Nguyên trong những sản phẩm trang trí của mình. Cá biệt, có những lúc anh như bị say nắng nghệ thuật, phiêu hết mình trong một không gian khác, để rồi cho ra một tác phẩm không mang âm hưởng của đại ngàn, càng đặc sắc với sự phiêu của riêng anh. Gỗ lũa có màu sậm, phần lõi nặng, kết hợp với sắt được đánh bóng lên thì rất đẹp. Đây đơn thuần là tính thẩm mỹ, không vì điều gì khác, tạo khách hàng một cảm giác hùng tráng, pha lẫn sự kỳ bí của tượng nhà mồ Tây Nguyên. “Tôi lựa chọn ngôn ngữ tượng Tây Nguyên tạo hướng đi, đưa thêm chân đèn, một số sản phẩm liên quan và công năng khác làm đặc thù của mình và để có thêm sự lựa chọn cho những người có cùng sở thích, đam mê” – Đinh Nhật Tân cho biết.

Đinh Nhật Tân tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng của đồng bào H’re ở Ba Tơ – Quảng Ngãi. Ảnh: TITC
Gần đây, Đinh Nhật Tân đang lang thang ở các bản làng Tây Nguyên, dành thời gian tìm hiểu văn hoá đồng bào các dân tộc. Đinh Nhật Tân chia sẻ: “Tôi đi lang thang ở các vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên là chính. Tôi muốn biết thêm văn hoá đồng bào mình nhiều hơn. Tôi cảm thấy tiếc khi mình là người con núi rừng mà chưa hiểu hết về văn hoá, đời sống đồng bào mình”.
Trung tâm Thông tin du lịch