Kết nối, trải nghiệm cồng chiêng Tây Nguyên ở Đồng Nai

Đánh cồng chiêng, học múa xoang, thi tìm hiểu văn hóa cồng chiêng… là những trải nghiệm thú vị khi người dân và du khách, nhất là học sinh, sinh viên, đến tham quan không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Văn miếu Trấn Biên.


Các em học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa trải nghiệm cồng chiêng Tây Nguyên tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na

Bảo tàng Đồng Nai đã dành không gian rộng rãi, thoáng mát tại Văn miếu Trấn Biên để các tầng lớp nhân dân có thể đến tìm hiểu về một số nhạc cụ độc đáo của các dân tộc anh em đang sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên và Đồng Nai.

Kết nối di sản vùng miền

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Phạm Văn Minh cho hay, cồng chiêng ở Việt Nam là cái nôi của cồng chiêng Đông Nam Á, bởi những yếu tố vết tích hiện vật, những nét chạm khắc biểu hiện người đánh cồng chiêng có trên trống đồng Đông Sơn vốn có lịch sử hơn 4 ngàn năm, về lối đánh rất nguyên thủy và có ý nghĩa như một vật tổ. Trong đó, cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ xưa.

“Giá trị nổi bật của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứa đựng những sáng tạo của nhân loại… đặc biệt nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền, bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng như: văn hóa vùng, văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người, giá trị nghệ thuật, giá trị cố kết cộng đồng và lịch sử. Chính vì vậy, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh vào danh mục văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” – ông Minh cho biết.

Cùng với cồng chiêng của Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số Chơro, Mạ, S’tiêng, C’ho… ở Đồng Nai đã và đang lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng quý. Đặc biệt, trong các lễ hội truyền thống của đồng bào hàng năm, các bộ cồng chiêng này được nghệ nhân, già làng và cả những người trẻ trình diễn, phục vụ hoạt động tín ngưỡng của dân tộc cũng như nhu cầu tham quan, thưởng lãm nghệ thuật cồng chiêng của người dân và du khách.

Riêng tại một số địa phương như: Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Long Khánh…, cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được kết nối, phát triển du lịch. Không chỉ giới thiệu, quảng bá giá trị của văn hóa cồng chiêng trên vùng đất Đồng Nai đến với bạn bè gần xa, mà qua đó còn khích lệ các nghệ nhân, già làng, học sinh… tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Chị Nguyễn Kiều Hạnh Trinh, cán bộ Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, cho biết việc mang cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến trưng bày triển lãm tại Đồng Nai nhằm kết nối di sản văn hóa vùng miền. Đây là hoạt động được Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk chú trọng trong nhiều năm qua tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ hoạt động kết nối di sản, trao đổi, giới thiệu nét đặc sắc về cồng chiêng sẽ giúp thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu để từ đó gìn giữ, phát huy.

Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Di sản này tiếp tục được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008. Đây là niềm tự hào, là biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc, khẳng định giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể ngàn đời của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Giáo dục trải nghiệm cho học sinh

Cũng theo chị Nguyễn Kiều Hạnh Trinh, văn hóa cồng chiêng, múa xoang được xem như “linh hồn” của các thế hệ đồng bào dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Nhằm bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk mang đến Đồng Nai chương trình giáo dục trải nghiệm cho học sinh.


Du khách tham quan, tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Văn miếu Trấn Biên.

Chị Hạnh Trinh chia sẻ: “Trong không gian văn hóa của Văn miếu Trấn Biên, chúng tôi thuyết minh, giới thiệu các bộ cồng chiêng, tổ chức chương trình hoạt náo gắn kết học sinh để các em có những giờ học trải nghiệm, những cuộc thi tìm hiểu sâu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đặc biệt, các em còn được học điệu múa xoang Tây Nguyên. Chúng tôi hy vọng các hoạt động này góp phần khơi dậy niềm đam mê văn hóa, nhạc cụ truyền thống trong học sinh”.

Được nhìn thấy các bộ nhạc cụ, xem các hình ảnh trực quan, em Trịnh Lê Ánh Dương (lớp 5, Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Biên Hòa) hồ hởi nói: “Em thấy vui vì được xem nhiều hình ảnh đẹp, chơi nhiều trò chơi hấp dẫn và tự mình gõ những chiếc cồng, chiêng rất lớn. Em cũng rất thích trang phục của các dân tộc, ấn tượng bởi những câu chuyện kỳ thú về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Những ngày cuối năm 2024, không gian văn hóa Văn miếu Trấn Biên nhộn nhịp hẳn lên bởi các đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Các em không chỉ nghe, mà còn tò mò đặt ra nhiều câu hỏi thú vị, khiến cho không khí sôi động. Hy vọng những hoạt động trải nghiệm văn hóa như thế được tổ chức thường xuyên hơn để người trẻ tiếp nối, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

Ly Na

Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn – Đăng ngày 14/12/2024

Scroll to Top