Tráng A Chu – chàng trai người Mông đam mê làm du lịch
(TITC) – Từng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng Tráng A Chu, chàng trai người Mông không có ước mơ ở lại thành phố mà quyết tâm trở về với bản làng làm du lịch. Để rồi từ hai bàn tay trắng, anh đã biến vùng đất nghèo khó Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trở nên đẹp đẽ, thơ mộng và trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Đến Sơn La, nhắc đến tên Tráng A Chu một chàng trai người dân tộc Mông làm du lịch ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ thì ai cũng biết. Một người đam mê làm du lịch có tiếng và là ông chủ của một cơ sở homestay mang đậm phong cách văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.
Từ đôi bàn tay trắng, A Chu đã dựng nên một cơ ngơi homestay nức tiếng nơi vùng đất khó, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, A Chu trở đã truyền cảm hứng làm du lịch cho rất nhiều người. Giờ đây, Hua Tạt đã trở thành điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của huyện Vân Hồ và của tỉnh Sơn La.
Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp của mình, A Chu kể, để có được thành quả quả như ngày hôm này, phía sau là cả một hành trình tự lực vượt lên chính mình. A Chu sinh ra và lớn lên ở bản Hua Tạt một vùng đất nghèo khó, từng bị ám ảnh bởi nạn trồng cây thuốc phiện và nghiện hút, bà con dân bản bị cái đói, cái nghèo đeo bám suốt thời gian dài.

Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung thăm hỏi động viên Tráng A Chu làm du lịch giỏi. Ảnh: TITC
Nhớ lại những ngày gian khó, A Chu tâm sự: “Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi xách ba lô trở về Hua Tạt. Ban đầu, tôi chỉ biết bám vào mấy mảnh nương rẫy của bố mẹ để lại. Có thời điểm hai vợ chồng đi bán bánh dày tại các phiên chợ. Cuộc sống khó khăn, khiến tôi nhiều đêm thức trắng suy nghĩ phải làm gì để thoát được cái nghèo, cái khổ. Đang trăn trở thì tôi may mắn gặp được ông Dương Minh Bình, một lãnh đạo công ty du lịch tâm huyết với các dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương. Thế là tôi nhen nhóm hy vọng khởi nghiệp làm du lịch từ đó”.
Nhưng khi ý tưởng xây dựng mô hình homestay tại chính bản làng của mình sắp được thực hiện, đang lúc cần huy động nhiều vốn thì bố A Chu bị bệnh nặng. Nhà vốn khó khăn nay lại thêm phần gian nan vì chữa bệnh cho bố tốn rất nhiều tiền. Không bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, vất vả, thiếu thốn, với quyết tâm cùng với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương A Chu đã quyết tâm làm mô hình homestay để kinh doanh du lịch.
Sau bao nỗ lực, dồn hết tâm sức, tháng 8/2015 homestay đi vào hoạt động, đón những đoàn khách đầu tiên. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2015, homestay đón gần 200 lượt khách đến khảo sát, tham quan và lưu trú. Đến nay, mỗi năm có hàng nghìn lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm tại homestay của A Chu.

Bản nghèo trở thành nơi đáng sống
Điều giúp homestay A Chu thu hút du khách là việc khéo léo phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc trong bài trí không gian, trang phục truyền thống, món ăn dân tộc, tổ chức các trò chơi, hoạt động trải nghiệm các phong tục tập quan, nếp sống, nếp sinh hoạt của người Mông như: Làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống.
Ngoài ra, A Chu còn tạo không gian để du khách và người dân bản gần gũi với nhau hơn bằng những hoạt động giao lưu, văn nghệ do chính người dân trong bản và vợ chồng A Chu biểu diễn, với các bài nhạc truyền thống, thổi khèn, sáo Mông, đàn môi, tái hiện những nghề truyền thống như vẽ sáp ong trên vải, dệt thổ cẩm… Giờ đây, homestay Tráng A Chu đã trở thành cái tên quen thuộc, được nhiều công ty du lịch tin tưởng, khách hàng yêu quý.
Với mong ước lớn nhất là giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào Mông, A Chu dùng con mắt nghệ thuật của mình để tự làm những món đồ vật trang trí vừa mang đậm bản sắc dân tộc mình vừa gần gũi với thiên nhiên, từ bàn, ghế ngồi, quầy lễ tân đến nơi ăn chốn ngủ của khách… Điều đó, càng làm cho du khách tò mò, thích đến khám phá nhiều hơn.

Khách đến với A Chu không chỉ nghỉ lại mà còn đi thăm quan, mua nông sản của chính những người dân trong bản làm ra ngày càng nhiều, góp phần làm tăng thu nhập cho cả bản. Cũng chính vì thế mà nhận thức và cuộc sống của bà con dân bản dần nâng lên. Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương, cùng nhu cầu ngày một tăng, A Chu đã vận động các hộ trong bản cùng làm homestay, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và giới thiệu khách hàng cho các hộ gia đình.
Du khách đến đây không chỉ được khám phá cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được trải nghiệm hoạt động văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông. Qua đó, góp phần giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và thay đổi nhận thức của người dân trên mảnh đất từng một thời nghèo khó này. Việc A Chu làm du lịch không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, còn tạo thêm việc làm cho bà con, nâng cao thu nhập. Nếu như trước đây, gần 100% hộ dân ở Hua Tạt đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, thì hiện nay cả bản gần như đã thoát nghèo”. Không bao lâu bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó ấy đã xây dựng được gần chục mô hình homestay. Cảnh nghèo khó ngày nào cũng đã lùi vào dĩ vãng, bản nghèo trở thành nơi đáng sống.

Người truyền cảm hứng làm du lịch
Nhắc đến việc định hướng phát triển du lịch trong tương lai, trong ánh mắt của chàng trai người Mông ánh lên tia sáng: “Làm du lịch không bây giờ không được bó hẹp mà phải mở rộng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững. Phải có sự phối hợp, liên kết giữa các cơ sở, địa điểm du lịch và nơi trải nghiệm cho du khách. Để mỗi khi khách đến thăm quan có thể đến được nhiều nơi, trải nghiệm được nhiều chỗ, được khám phá những điều độc đáo riêng có ở địa phương mình. Để làm được điều đó, tôi đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để tìm hiểu các địa điểm đẹp, văn hóa đặc sắc ở các xã, bản trong và ngoài huyện, để mỗi khi khách có nhu cầu là chia sẻ, chỉ dẫn cho khách”.
Giờ đây, khách đến với A Chu ở khắp mọi miền đất nước. Vui hơn cả là sau mỗi năm có hàng nghìn khách du lịch là người nước ngoài đến với homestay A Chu, họ rất hài lòng khi gặp ông chủ vui vẻ và nhiệt tình.

Đặc biệt, mô hình homestay của A Chu còn trở thành mô hình tiêu biểu được nhiều địa phương đến học tập. Trên cuốn sách “Những câu chuyện về du lịch Việt Nam” do Tổ chức du lịch thế giới phát hành, homestay A Chu được nhắc đến như một nơi cần phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu.
Với đóng góp cho du lịch địa phương, nhiều năm liền Tráng A Chu đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của UBND tỉnh và các ban, ngành các cấp. A Chu Homestay được Hiệp hội du lịch Việt Nam vinh danh là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu năm 2018. Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, Achu Homestay là 1 trong 15 đơn vị của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2019 – sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao của khu vực ASEAN. Tháng 5/2022, homestay A Chu được vinh dự Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm. Ngoài ra, rất nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, Trung ương và các địa phương cũng về đây thăm quan, học tập mô hình kinh doanh của A Chu.




Trung tâm Thông tin du lịch