Phở ngô – Sáng tạo ẩm thực nơi vùng núi đá Hà Giang

(TITC) – Được làm từ những hạt ngô của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, phở ngô đang được đón nhận như một món ăn độc đáo, hấp dẫn và lạ miệng. Món ăn là sự kết hợp giữa phở truyền thống với nét ẩm thực đặc trưng vùng cao nguyên tạo nên món ăn độc đáo thu hút khách du lịch mỗi khi đến với Hà Giang.

Ảnh: TITC

Ngô là cây trồng gắn bó với đời sống và là nguồn lương thực chính của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Hà Giang. Từ hạt ngô, đồng bào dân tộc Mông đã chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như bánh ngô, rượu ngô, mèn mén, cháo ngô, chè ngô, phở ngô…

Từ khi ra đời và “về phố” vài năm qua, phở ngô đã trở thành món ăn độc đáo, trở thành “sứ giả văn hóa” của miền cao nguyên đá Hà Giang với những giải thưởng và vinh danh từ các cuộc thi, sự kiện ẩm thực trong nước. Trong sự phong phú của các món ăn ở vùng đất này, phở ngô đã trở thành một sáng tạo ẩm thực độc đáo, hấp dẫn.

Phở ngô là sự kết hợp giữa nét ẩm thực đặc trưng của người dân tộc Mông và nước dùng phở – món ăn được gọi là quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Món phở ngô sử dụng các nguyên liệu địa phương kết hợp công thức nấu nước phở miền xuôi nhưng có một số thay đổi để tạo nên sự hòa hợp. Ngô trồng trên cao nguyên đá Đồng Văn là loại bắp nhỏ, ngắn, nhiều tinh bột, có vị ngọt đậm và thơm.

Ảnh: TITC

Quy trình làm phở ngô bắt đầu từ công đoạn sơ chế. Hạt ngô sau khi được tách lõi mang đi phơi khô, nghiền sơ, đãi sạch vỏ rồi ngâm nước ít nhất 8 tiếng. Vụn ngô sau đó được xay mịn thành bột, trộn với nước thành hỗn hợp tráng bánh. Để tạo sợi phở, người nấu dùng muôi múc bột đổ lên mặt nồi hấp được căng một lớp vải mỏng, đậy nắp nồi lại trong 2 – 3 phút để bột chín đều.

Bánh phở ngô được tráng tay như bánh phở truyền thống nhưng ngô có tính kết dính kém hơn gạo nên đòi hỏi kỹ thuật khó hơn. Khi chín, bánh phở chuyển sang màu vàng đậm. Người làm dùng que gỗ nhấc những tấm bánh phở hình tròn đã chín khỏi mặt nồi hấp và phơi trên sào tre trong 5 – 7 phút, chờ nguội. Bánh phở nguội được gấp thành miếng hình chữ nhật, thái sợi sao cho bánh không nát, sợi không đứt gãy.

Ảnh: TITC

Linh hồn của món phở ngô nằm ở phần nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương bò và một số loại củ, quả của vùng cao nguyên đá Hà Giang, có vị thanh, ngọt, thơm hương quế, hồi hòa quyện cùng nhau.

Bánh phở ngô chỉ thích hợp ăn cùng thịt bò, đặc biệt là bò vàng Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là những con bò thả rông ở địa phương, thịt chắc, dai và ngọt.

Ảnh: TITC

Ngoài món phở nóng hổi chan nước dùng truyền thống, bánh phở ngô còn được dùng làm món phở cuốn cũng độc đáo, hấp dẫn thực khách.

Phở ngô mang đến màu sắc và hương vị mới cho cho kho tàng ẩm thực Việt Nam nói chung và bộ sưu tập phở Việt Nam nói riêng. Việc tạo nên món ăn mới – phở ngô không chỉ giúp nâng cao giá trị của hạt ngô, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng cao; đồng thời mang đến thêm một món ăn sáng tạo, độc đáo cho vùng cao nguyên, góp phần thu hút khách du lịch đến khám phá thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Hà Giang.

 Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top