Phát triển Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên gắn với phát triển văn hóa – du lịch

(TITC) – Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những lễ hội đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa – lịch sử lâu đời được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hóa cồng chiêng bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Ảnh: TITC

Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đồng thời hướng đến quảng bá du lịch và văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn hóa các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Lễ hội thu hút nghệ nhân dân gian từ các tỉnh thành đến giới thiệu, biểu diễn không gian văn hoá dân tộc của tỉnh mình. Không gian Lễ hội sẽ được tái hiện lại đúng với sắc màu của các dân tộc, phát huy những giá trị truyền thống vốn có.

Ảnh: TITC

Vào mỗi năm, lễ hội cồng chiêng sẽ được tổ chức kết hợp với những nghi lễ, lễ hội đặc trưng của từng tỉnh thành, dân tộc. Đến với Lễ hội Cồng chiêng, bên cạnh thưởng thức các nghệ nhân trình diễn những điệu múa, nhảy kết hợp với tiếng cồng chiêng, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa khác như phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của các đồng bào dân tộc, sinh hoạt văn nghệ dân gian, thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên. Từ đó, lan tỏa giá trị của kiệt tác di sản văn hóa này, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tại đây, du khách cũng sẽ được giới thiệu về những thành tựu kinh tế, văn hóa và tiềm năng du lịch của các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh các hoạt động văn hóa còn hội chợ triển lãm về công cụ sản xuất, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ của các dân tộc Tây Nguyên.

Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà còn là “tiếng nói” của con người và của thần linh theo quan niệm “vạn vật hữu linh”, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa – tâm linh của đồng bào nơi đây. Mỗi giai điệu, mỗi bản nhạc cồng chiêng vang lên đều có một ý nghĩa khác nhau cho mỗi sự kiện quan trọng. Mỗi sự kiện khác nhau thì giai điệu, bước múa cũng khác nhau.

Ảnh: TITC

Ở phần lớn các dân tộc, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới. Song có những dân tộc cả nam và nữ đều có thể sử dụng như Mạ, Mnông. Một số ít dân tộc như Ê Đê Bih thì chỉ nữ giới mới được chơi cồng chiêng.

Tây Nguyên, cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng còn đóng vai trò như thành tố văn hóa quan trọng để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách có nhiều cơ hội tham gia và trải nghiệm trực tiếp các lễ hội của cộng đồng, hay trong những buổi biểu diễn nghệ thuật dành cho du khách.

Ảnh: TITC

Không chỉ được trải nghiệm những sắc màu văn hóa độc đáo, tìm hiểu về di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn, thưởng thức hương vị ẩm thực mộc mạc mà hấp dẫn, đặc biệt là được giao lưu với người dân bản địa, với buôn làng một cách gần gũi để có thể cảm nhận sự giản dị, thân thiện, mến khách.

Những yếu tố thiên nhiên – văn hóa nơi đây đã tạo nên một Tây Nguyên hùng vĩ, huyền ảo, lãng mạn, say đắm lòng người. Với mong muốn truyền tải những giá trị thiêng liêng của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, chính quyền địa phương và hơn hết là đồng bào nơi đây đã không ngừng tìm cách bảo tồn và phát huy, gắn di sản văn hóa với du lịch để lan tỏa sức hấp dẫn đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng chính là sợi dây kết nối, gắn kết bạn bè bốn phương đến khám phá mảnh đất đại ngàn chan hòa.

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top