Lễ hội Gầu Tào: Đặc sắc lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mông

(TITC) – Khi những bông hoa đào rừng bừng lên đua nhau khoe sắc, báo hiệu một mùa xuân mới, cũng chính là thời điểm hội tụ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số. Đến với miền núi phía Bắc trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, văn hóa nơi đây mà hòa mình trong không gian đặc sắc, ấn tượng của Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông.

Ảnh: TITC

“Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân”. Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn nhất và tiêu biểu nhất của người Mông, với mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho gia đình sự sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho những người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng.

Vào dịp mở Lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông trong bản đi làm ăn, đi công tác xa nay có dịp về hội tụ với gia đình, người dân và về với bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, vào một mùa vụ canh tác, sản xuất chăn nuôi mới. Có thể nói, Lễ hội là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng. Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ảnh: TITC

Tùy từng địa phương, Lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau, thường từ ngày 03 đến ngày 15 tháng Giêng; nhiều vùng còn chọn tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Sửu của đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức vào 9 ngày. Lễ hội có thể do một gia đình, một dòng họ hay một làng bản đứng ra tổ chức.

Thời gian mở hội thường được tiến hành liền trong ba năm. Trong ba năm ấy, mỗi năm người ta trồng một cây nêu để đến khi tan hội, một trong ba gia chủ sẽ lấy cây nêu và những vật treo trên cây ấy về để lấy phúc, lấy lộc.

Huyện Hoàng Su Phì là một trong những địa điểm tổ chức Lễ hội Gầu Tào. Ảnh: TITC

Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần là phần lễ với nghi thức cúng khai hội và nghi thức hát lý mở màn, múa nhạc cụ; phần hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông gồm thi văn nghệ, nấu thắng cố, giã bánh giầy; các trò chơi bịt mắt đánh chiêng, ném pao, leo cây nêu, thi đấu môn thể thao truyền thống…

Lễ hội Gầu Tào là tín hiệu báo mùa xuân về, là điểm hẹn văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Sau đó, bà con lại lên nương, xuống đồng, bắt tay vào lao động sản xuất với niềm tin và hy vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Vẻ đẹp dòng sông Nho Quế. Ảnh: TITC

Sự kiện cũng là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc khác nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách thập phương đến với địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top