Chiêng tre – Âm hưởng nghệ thuật sáng tạo độc đáo của người Êđê

(TITC) – Chiêng tre (Ching kram) là món quà quý giá mà núi rừng Tây Nguyên đại ngàn đã ban tặng cho người Êđê. Nhịp điệu của chiêng tre trầm, bổng, thánh thót, vui tươi rộn ràng, thanh âm gần gũi, mộc mạc mang đến tiếng nhạc nhẹ nhàng, thư giãn, đầy cảm xúc.

Ảnh: kontum.gov.vn

Bên cạnh chiêng đồng được mua từ nơi khác, người Êđê đã sáng chế ra một loại chiêng riêng được làm từ ống tre, ống nứa, là nhạc cụ truyền thống riêng có của đồng bào. Chiêng tre (Ching kram) của người Êđê được biết đến là một trong những loại chiêng cổ xưa nhất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trước khi tìm đến với loại cồng chiêng được đúc bằng đồng của các dân tộc khác.

Thông thường, cấu tạo của một chiếc chiêng tre gồm một ống tre khô, một thanh tre già và một cái dùi bằng gỗ có quấn vải. Theo quan niệm của người Ê đê, số lẻ là số may mắn nên mỗi bộ chiêng tre thường có 5, 7, 9 chiếc hợp lại thành một dàn chiêng, đôi khi có thể lên đến 19 chiếc. Dùi để đánh chiêng tre là một cặp làm cùng chất liệu và tạo âm tương ứng với nhau. Mỗi chiếc chiêng tre có âm sắc, giai điệu với cung bậc riêng, khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo nên một dàn hợp xướng âm thanh đầy cuốn hút. Âm thanh từ dàn chiêng tre rền chắc, dồn dập, rộn ràng vui tươi. 

Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk

Điểm độc đáo khi diễn tấu đó là người đánh kẹp ống tre vào 2 mặt đùi, đặt thanh tre già nằm ngay phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm dùi gõ vào giữa thanh tre cho âm vọng xuống ống tre, tạo ra âm thanh mình muốn. Hầu hết những người đánh chiêng đồng giỏi đều biết đánh và biểu diễn thuần thục chiêng tre. Cũng như chiêng đồng, nghệ thuật chỉnh chiêng tre cũng đòi hỏi người nghệ nhân phải có một đôi tai thẩm âm thật tốt và đôi tay khéo léo.

Việc chế tác chiêng tre cũng khá cầu kỳ, phức tạp, yêu cầu nghệ nhân phải là những người có tài năng và giàu kinh nghiệm, đặc biệt ở khâu chọn ống tre và thẩm âm. Mỗi cặp chiêng tre gồm một ống tre và một thanh tre và phải có giai điệu âm thanh tương ứng như một chiêng đồng, vì thế các ống tre trong bộ chiêng cũng được cắt tạo với kích thước dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau để có được những âm tương ứng. Thông thường các ống chiêng tre có độ dài từ 30 – 45 cm, đường kính khoảng 8 – 10 cm. Đồng thời, để có được bộ chiêng như ý, người nghệ nhân làm chiêng phải có đôi tai thính, chính xác để thẩm âm và đôi tay khéo léo để cắt gọt ống tre tạo được âm thanh như ý muốn.

Mặc dù chiêng tre cũng có những kích cỡ, âm thanh và có hệ thống như một bộ chiêng đồng, song chiêng tre gần gũi, thân thuộc hơn với đời sống của đồng bào dân tộc Êđê bởi sự đơn giản trong diễn tấu và vật liệu dễ tìm kiếm. Theo thời gian, bộ chiêng tre trở thành nhạc cụ độc đáo trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Êđê. 

Đối với đồng bào Êđê, chiêng đồng thường sử dụng khi làm lễ cúng hoặc khi có đám tang. Còn chiêng tre có thể chơi bất cứ khi nào và mang tính giải trí, thư giãn. Chiêng tre cũng chơi được nhiều điệu như chiêng đồng, cũng chơi được các bài dân ca cổ Êđê, tùy theo sự hiểu biết biến tấu của mỗi người. 

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan