Bình Liêu – Quảng Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “Văn hóa cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Nhận thức đúng tính chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), những năm qua, huyện luôn quan tâm công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.
Xác định việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 01 ngày 31/7/2015 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06 ngày 29/6/2016 về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trên cơ sở xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người, thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.
Trên cơ sở thực hiện đề án của tỉnh về: Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; khôi phục và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Huyện đã bước đầu tạo dấu ấn với du khách bốn phương bằng chính những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, hội Mùa vàng… được tổ chức với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị.
Những cánh đồng lúa trên địa bàn huyện cũng là những điểm hấp dẫn du khách
Ngoài ra, huyện cũng đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa-lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Núi cô đơn cũng là một trong những điểm hút khách du lịch
Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”… nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thành “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Ngoài ra, huyện cũng quan tâm mở các lớp tập huấn về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện phối hợp với một số xã, trường học tổ chức các lớp truyền dạy hát then, đàn tính, soóng cọ,….nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; tạo điều kiện để các hạt nhân văn nghệ và quần chúng nhân dân được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn.
Với những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Năm 2023, số lượng khách đến huyện ước đạt 150.000 lượt, bằng 100% kế hoạch huyện và bằng 150% kế hoạch tỉnh giao; doanh thu đạt trên 72 tỷ đồng, đạt trên 120% kế hoạch và trên 140% so với cùng kỳ.
Phát huy vai trò của người dân trong tham gia bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, huyện chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB văn nghệ. Đến nay, toàn huyện có 7 CLB cấp xã, thị trấn, 28 CLB văn nghệ thôn, bản duy trì sinh hoạt đều đặn. Hiện nay huyện có 6 Nghệ nhân Ưu tú được vinh danh ở cấp Nhà nước.
Với nhiều hoạt động quan tâm, đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huyện tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với các lễ hội để phát triển du lịch văn hóa; duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động Tuần Văn hóa – Du lịch huyện Bình Liêu. Vận dụng các cơ chế, chính sách để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ tại các điểm du lịch; tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp phát triển du lịch trên địa bàn, như: Dự án du lịch sinh thái thác Khe Vằn, Dự án Du lịch cộng đồng tại xã Lục Hồn… Bảo vệ, gìn giữ, quản lý và khai thác hiệu quả danh hiệu danh thắng cấp Tỉnh (thác Khe Vằn, xã Húc Động; ruộng bậc thang tại xã Lục Hồn), di tích lịch sử cấp tỉnh (Đình Lục Nà, xã Lục Hồn), di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (diễn xướng nghi lễ Then Tày),….Quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch, dịch vụ trải nghiệm, du lịch sinh thái, nhất là các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Hoàng Gái
Cổng thông tin điện tử huyện Bình Liêu – binhlieu.quangninh.gov.vn