Bánh chưng đen: Tinh hoa ẩm thực người Tày

(TITC) – Bánh chưng đen là món ăn truyền thông của người Tày mỗi dịp Tết cổ truyền. Bánh có màu đen đặc trưng do được nhuộm bằng than của cây núc nác, cùng một số loại gia vị đặc trưng của vùng núi. Hiện nay, bánh chưng đen đã trở thành đặc sản, là thức quà được nhiều du khách lựa chọn khi đến với các tỉnh miền núi phía Bắc.

(Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Bánh chưng đen cũng có những nguyên liệu giống với bánh chưng xanh truyền thống ở đồng bằng như gạo nếp, thịt lợn ba chỉ, đậu xanh, muối, tiêu, thảo quả. Điểm đặc trưng khác biệt là nguyên liệu than của cây núc nác. Than núc nác được đốt cháy, sau đó nghiền mịn và trộn với nước để tạo thành hỗn hợp màu đen. Gạo nếp được trộn với hỗn hợp than núc nác cho đến khi có màu đen đều.

Công đoạn làm bánh chưng đen cầu kỳ nhất ở khâu đốt than núc nác và sàng sảy bột than. Trước khi vào gói bánh, người ta lấy thân cây núc nác mang về phơi khô rồi đốt cháy thành than. Những gia đình cẩn thận, họ lấy than núc nác đang còn hồng bỏ vào ống tre tươi, chờ cho bên trong cháy dần thành than đen mới lấy ra giã nhỏ, trộn cùng với gạo nếp để làm bánh chưng đen.

(Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Điểm đặc trưng thứ hai của bánh trưng đen là hương vị thảo quả. Thảo quả được nướng lên, bóc vỏ, đập dập rồi trộn vào gạo và thịt làm nhân bánh với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh. Chính vì vậy, bánh trưng đen tuy nguyên liệu giống bánh trưng xanh nhưng hương vị có sự khác biệt.

Thưởng thức miếng bánh chưng đen Bắc Hà, người ăn sẽ cảm nhận được vị béo ngầy ngậy của thịt lợn ba chỉ, dậy mùi thơm của thảo quả và nếp nương.

Bánh chưng đen là món ăn không thể thiếu của người Tày trong những dịp lễ hội, tết truyền thống. Bánh chưng đen thể hiện sự thành kính của người Tày đối với người đã khuất, vừa truyền thống lại vừa sáng tạo, mang đậm hương sắc núi rừng.

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top