Mô hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương

(TITC) – Với tiềm năng đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc sắc…của các đồng bào dân tộc thiểu số, tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam du lịch cộng đồng được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương.

Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương…, du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, đồng thời tạo sinh kế giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên)

Ảnh: Sưu tầm

Nằm tại thành phố Thái Nguyên, khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) rộng gần 70ha hiện đang lưu giữ 30 ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày được chuyển về từ vùng đất cách mạng ATK Định Hóa. Nơi đây là một trong những điểm du lịch tiêu biểu nhất của Thái Nguyên về chất lượng phục vụ và tính độc đáo của điểm đến đồng thời cũng là điểm nhấn của tỉnh về du lịch văn hóa cộng đồng.

Với những thành công trong việc gắn bảo tồn những giá trị di sản và phát triển du lịch, Khu Bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đã giành được nhiều giải thưởng du lịch quốc tế, mà gần đây nhất là giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đó là “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”, trong đó Việt Nam vinh dự trở thành đại diện duy nhất khu vực Đông Nam Á có mặt tại Giải thưởng lớn này. Giải thưởng nhằm vinh danh những ngôi làng lấy du lịch làm mục tiêu và cơ hội để phát triển, cam kết đổi mới, định hướng tăng trưởng kinh tế – xã hội và môi trường bền vững, bên cạnh đó cũng tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc cộng đồng.

Những năm qua, Làng nhà sàn Thái Hải với không gian văn hoá và cuộc sống sinh hoạt được giữ nguyên theo truyền thống của đồng bào đã trở thành điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước. Tại đây, du khách được nghỉ dưỡng trong một không gian tươi xanh, được tìm hiểu, trải nghiệm các nét văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng xứ Thái như các hoạt động lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm nông nghiệp cùng bà con… Ngoài việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, bản làng Thái Hải còn phục đồng thời gần 2.000 khách ẩm thực và 200 khách lưu trú; hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu ăn uống, lưu trú và trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu)

Người dân chào đón khách du lịch đến tham quan. Ảnh: TITC

Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mông bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) cách thành phố Lai Châu gần 30km, nằm ẩn mình dưới chân núi Sơn Bạc Mây thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

Do nằm ở độ cao gần 1.500m, Sin Suối Hồ có khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Giống như cái tên “Sin Suối Hồ”, trong tiếng Mông nghĩa là “suối có vàng”, bản nhỏ hơn 300 năm tuổi được thiên nhiên ưu đãi với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, những thác nước mát lạnh, những dòng suối chảy xuyên rừng hay những thửa ruộng bậc thang gắn liền với đời sống nông nghiệp vùng cao.

Nước thảo quả với mật ong rừng là loại nước đặc trưng được người dân tiếp đón khách và được đựng trong ống tre thân thiện với môi trường. Ảnh: TITC

Đặc biệt, trên đường đến với bản, du khách có thể ghé thăm nhiều điểm đến nổi tiếng gắn liền với Sin Suối Hồ như thác Trái tim, núi Tả Liên Sơn, núi Bạch Mộc Lương Tử, đường đá cổ Paris, ruộng bậc thang…Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các tiết mục văn nghệ mà người dân địa phương tổ chức, tham quan chợ phiên Sin Suối Hồ – nơi nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống được bảo tồn, tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo. Ngoài ra Sin Suối Hồ còn thu hút du khách bởi ẩm thực phong phú và đa dạng như lợn bản đủ món, nộm rau dớn rừng, lẩu cá tầm, xôi nếp nương, thắng cố, thịt hun khói, rau cải mèo…. Những món ăn này mang đậm chất văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Chợ phiên Sin Suối Hồ. Ảnh: TITC

Đến Sin Suối Hồ du khách sẽ được nghe kể về hành trình mà người dân nơi đây cùng nhau gắn bó và xây dựng, đưa một bản từ nghèo khó trở thành điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng. Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF 2023, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023 ở Hạng mục giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.

Điểm du lịch cộng đồng Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ)

Cô gái Dao Tiền đón khách tại Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: TITC

Vườn quốc gia Xuân Sơn không chỉ có vẻ đẹp của núi đá luôn ẩn mờ trong sương trắng, những hang động đầy vẻ kỳ bí và những khu rừng nguyên sinh mà còn có nét đẹp của văn hóa các dân tộc sinh sống tại đây như người Dao, Mường… Nằm trong vùng lõi của VQG Xuân Sơn kì vĩ, những bản làng dân tộc như bản Lạng, bản Dù, bản Cỏi, bản Lấp… nằm nép mình trong những vạt rừng xanh hiện vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc của mình như trang phục, Lễ hội, các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, múa đâm đuống, múa xòe, uống rượu hoẵng, cơm lam…

Với những lợi thế của mình, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã khai thác nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, các loài động thực vật; du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu; đặc biệt là hình thức du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa. Đến với các bản du lịch cộng đồng du khách được hòa mình cùng sinh hoạt với người dân địa phương, tham gia các Lễ hội truyền thống, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, hái lá thuốc hay cùng người dân chế biến các món ăn của miền sơn cước.

Đặc biệt, Xuân Sơn càng hấp dẫn du khách hơn bởi những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc, như: Gà nhiều cựa, lợn lửng, lợn rừng, rau sắn, rau bò khai, cá suối, vịt lam… hay món thịt chua của người Mường ăn kèm với các loại rau rừng rất đặc biệt, thêm chút rượu ngô tự nấu cay cay, nồng nồng như món gia vị làm tăng thêm vị đậm đà cho bữa ăn.

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top