Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Ra Glai – Khánh Hòa
Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có hơn 70% dân số là người Ra Glai sinh sống. Tộc người này có vốn văn hóa cổ truyền khá phong phú, đa dạng, nhiều bản sắc đặc trưng. Thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã có nhiều nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Ra Glai.
Quang cảnh lễ tạ ơn của người Ra Glai.
Huyện Khánh Sơn có 12 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, đồng bào Ra Glai chiếm hơn 70,5% dân số toàn huyện. Từ nhiều đời nay, người Ra Glai ở Khánh Sơn đã xây dựng được vốn văn hóa truyền thống phong phú với những lễ hội, phong tục, nghệ thuật hát kể sử thi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, văn hóa ẩm thực…
Thế nhưng, theo Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, một người con của dân tộc Ra Glai, có một thực tế là ở một số xóm làng của đồng bào Ra Glai, người già không còn hát sử thi, đánh mã la nữa; những lễ hội truyền thống ít được tổ chức; những lời hát dân ca như alâu, hát ru ít được người hát; tiếng đàn đá, đàn chapi… cũng dần phai nhạt.
“Điều buồn nhất là các em trẻ bây giờ ít người biết hát dân ca, ít người biết khảy đàn chapi hoặc đánh đàn đá…”, anh Mấu Quốc Tiến bày tỏ suy tư về những mối nguy mai một đang ở ngay trước mắt.
Trước thực tế đó, huyện Khánh Sơn triển khai nhiều giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống người Ra Glai trên địa bàn. Theo Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn Nguyễn Thị Nguyệt, một số lễ hội của người Ra Glai như lễ cưới, lễ ăn đầu lúa mới, lễ tạ ơn… đang được tái hiện; một số loại hình nghệ thuật truyền thống như hát kể sử thi; biểu diễn nhạc cụ đàn đá, mã la, chapi… cũng đang được tổ chức biểu diễn, nhằm giữ gìn bản sắc; phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
Nhờ được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của người Ra Glai trên địa bàn đã có kết quả đáng ghi nhận. Lễ bỏ mả của người Ra Glai đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như biểu diễn đàn đá; hát kể sử thi; lễ ăn đầu lúa mới… của người Ra Glai cũng đang được lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhằm tạo nên những phong trào sâu rộng, đưa các giá trị văn hóa vào thực tiễn đời sống, huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ định kỳ, như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng; liên hoan các làn điệu dân ca Ra Glai; liên hoan các đội mã la, múa dân gian Ra Glai; hội thi tìm hiểu di sản văn hóa; ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam… Trong năm 2023, huyện đã trang bị cơ sở vật chất cho các nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn; tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống; tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hiệp Nguyễn Doãn Đạt cho biết, hiện xã Sơn Hiệp đã thành lập được 2 đội văn nghệ ở thôn Hòn Dung và thôn Tà Gụ, mỗi đội gồm 15 thành viên, có thể biểu diễn thành thục các tiết mục hát, múa, trình diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ra Glai. Tại nhà dài truyền thống ở thôn Hòn Dung diễn ra nhiều hoạt động phục dựng lễ ăn mừng lúa mới, lễ tạ ơn cha mẹ do huyện tổ chức.
“Hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thôn giờ sôi nổi lắm. Cái đáng quý là một số người trẻ đã bắt đầu nhiệt tình tham gia” đồng chí Nguyễn Doãn Đạt chia sẻ.
Mới đây, chúng tôi có dịp dự lễ tạ ơn của người Ra Glai tại thôn Ha Nít, xã Sơn Lâm. Người Ra Glai cho rằng, công lao của cha mẹ là rất lớn, vì vậy con cái trưởng thành phải biết ơn cha mẹ, thể hiện qua việc tổ chức lễ tạ ơn, khi cha mẹ đã trải qua 50 mùa rẫy. Vật chất lễ không cầu kỳ; diễn biến lễ không rườm rà. Con cái mời cha mẹ dùng các món ăn truyền thống chế biến từ heo, gà; rượu; thuốc lá; tặng cha mẹ quần áo mới; cha mẹ lại tặng quà, chúc phúc cho các con… Rồi cả nhà cùng nhau ăn uống vui vẻ; hát dân ca, đánh mã la, khảy chapi… Không khí rất đầm ấm, tình cảm.
“Đây là kết quả rất đáng mừng trong hoạt động phục dựng, tái hiện, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống người Ra Glai của huyện Khánh Sơn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Cao Minh Vỹ chia sẻ. Đồng chí nhấn mạnh: Huyện sẽ tiếp tục duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại thôn, tổ dân phố. Trong đó, chú trọng giữ gìn, phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc, trang phục truyền thống, trò chơi dân gian…; có cơ chế bố trí kinh phí hỗ trợ duy trì hoạt động các đội văn nghệ truyền thống của các xã, thị trấn.
Cũng theo đồng chí Cao Minh Vỹ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ra Glai phải gắn với việc thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho người dân; từ đó, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, huyện tiếp tục phục dựng, tái hiện các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Ra Glai; hằng năm tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ đàn đá, mã la; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào Ra Glai; xây dựng nhà trưng bày huyện Khánh Sơn để trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa nhằm xây dựng, phát huy tốt sản phẩm du lịch giàu bản sắc của địa phương.
“Huyện đang tìm cách phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, mai một…”, đồng chí Cao Minh Vỹ chia sẻ.
Bài và ảnh: Phong Nguyên