Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Từ một tỉnh thuần nông, qua các kỳ đại hội, Đảng bộ Phú Yên đã đề ra hướng đi thích hợp để đưa nền kinh tế phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Trong đó, tỉnh xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước. (Ảnh Dương Thanh Xuân)

Mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên phấn đấu mỗi năm đón từ sáu triệu lượt khách du lịch trở lên, doanh thu du lịch đạt khoảng 12.600 tỷ đồng, hoạt động du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên.

Du lịch Phú Yên thời gian qua có bước phát triển rõ rệt, với những con số nổi bật. Năm 2022, lượng khách du lịch đến Phú Yên đạt 2,2 triệu lượt, còn năm nay, con số này ước đạt 4 triệu lượt, đạt 117,6% kế hoạch năm, tăng 25% so với năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 30.000 lượt, đạt 150% so với kế hoạch năm, tăng 51,9% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 62,7% so với năm 2023, gấp 4,1 lần so với năm 2019.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ chia sẻ, những con số nêu trên là kết quả hơn ba năm tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững, Phú Yên luôn xác định thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư du lịch là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Do đó, cả hệ thống chính trị đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Quy hoạch du lịch Phú Yên tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; tỉnh ban hành đề án Công viên Địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO; điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa; triển khai phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, triển khai tuyến đường bộ ven biển, đầu tư hạ tầng du lịch, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Đến nay, Phú Yên có 52 dự án du lịch và thương mại dịch vụ, 6.780 lao động trong lĩnh vực du lịch, tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt 8.000 tỷ đồng. Hoạt động du lịch đóng góp ngày càng đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phú Yên có bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, gành mang vẻ đẹp hoang sơ, tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng, như: bãi biển Long Thủy, đầm Ô Loan, Hòn Chùa, Cù Lao Mái Nhà, Hòn Yến, bãi Xép, gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài… là lợi thế cho phát triển các loại hình dịch vụ du lịch.

Tại Phú Yên, thị xã Sông Cầu là địa phương rất có tiềm năng, lợi thế khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ biển. Thời gian qua, địa phương này đã có nhiều giải pháp mời gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế; trong đó kêu gọi thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ ven biển.

Theo Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phan Trần Vạn Huy, thị xã đã có nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, khai thác các khu du lịch dọc đầm Cù Mông, Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài nhằm tạo chuỗi liên kết và đa dạng hóa loại hình du lịch.

Đặc biệt, thị xã Sông Cầu lần đầu tổ chức thành công Lễ hội Tôm hùm Sông Cầu nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh danh thắng du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài; giới thiệu nghề nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, hướng đến xây dựng một “thủ phủ tôm hùm” lớn mạnh, bền vững. Lễ hội đã tạo được ấn tượng về một thị xã Sông Cầu đang đổi mới và phát triển năng động…

Ngành du lịch Phú Yên cũng đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; liên kết, hợp tác với các địa phương phát triển sản phẩm du lịch.

Cụ thể như: Ký chương trình hợp tác phát triển du lịch sáu tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên giai đoạn 2022-2027; phối hợp các địa phương triển khai chương trình “Tour du lịch một hành trình ba điểm đến Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa, phục vụ thị trường khách du lịch Đông Bắc Á”; nâng cấp và thường xuyên cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên trang thông tin điện tử du lịch Phú Yên; triển khai xây dựng website liên minh kích cầu du lịch khu vực miền trung – Tây Nguyên của bốn tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhìn nhận, tình hình phát triển du lịch của Phú Yên thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế và thách thức cần quan tâm giải quyết.

Mới đây, Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch Phú Yên thời gian qua và định hướng phát triển thời gian tới. Hội nghị đã cho ý kiến góp ý, thông qua đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn 2050.

Thời gian tới, Tỉnh ủy Phú Yên tập trung các nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về phát triển du lịch; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; tập trung quản lý, thực hiện quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên để tạo lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng hợp tác quốc tế; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Cũng theo đồng chí Phạm Đại Dương, để hoàn thành các mục tiêu về thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển du lịch, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện hiệu quả các nội dung theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy; đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên – Điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện” và phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Trình Kế

Scroll to Top